Khai thác có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nông dân
14:21 - 15/01/2024
(Quỹ HTND) – Những năm gần đây, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã tập trung chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực về vốn hỗ trợ hội viên, nông dân.


Hàng năm, Hội ND tỉnh đều có định hướng rõ ràng, lựa chọn những mô hình phù hợp, tổ chức hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các dự án cụ thể để được xem xét, phê duyệt giải ngân sớm giúp phát huy tốt nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp


 
Các cấp Hội trong tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và sử dụng đúng nguồn vốn Quỹ HTND.

 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tăng cường chỉ đạo Hội ND cấp huyện chủ động tham mưu với cấp ủy và UBND cùng cấp tiếp tục quan tâm, cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ HTND hoạt động. Đồng thời, tập trung xây dựng các Đề án, kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác tăng trưởng nguồn vốn, dần đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất của hội viên, nông dân cũng như những yêu cầu của công tác Hội đặt ra trong tình hình mới.

 
Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả, năm 2023, các cấp Hội ND trong tỉnh đã vận động tăng trưởng thêm cho Quỹ HTND được 6,1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lí lên gần 56 tỷ đồng. Trong đó, nguồn do Trung ương ủy thác 14 tỷ đồng, cấp tỉnh quản lí gần 10,5  tỷ đồng, cấp huyện quản lí 31,5 tỷ đồng.

 
Đồng thời, 15/15 Hội ND huyện, thị, thành phố đã được UBND cùng cấp phê duyệt và bổ sung nguồn vốn từ ngân sách. Hiện, 100% đơn vị Hội ND cấp xã đã xây dựng kế hoạch vận động và thực hiện việc chuyển giao nguồn vốn về Hội ND cấp huyện quản lý theo đúng quy định.

 
Kết quả, tính riêng trong nhiệm kỳ (2018- 2023), doanh số cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt 92,4 tỷ đồng. Nhờ vốn Quỹ HTND đã hướng dẫn xây dựng được 442 dự án hỗ trợ cho 3.065 lượt hộ hội viên, nông dân vay. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay trong toàn tỉnh đạt 55,7 tỷ đồng.

 
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Điều hành Quỹ HTND các cấp đã tiếp nhận, chỉ đạo triển khai việc bình xét, lập dự án và tổ chức giải ngân đảm bảo đúng quy định; đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND tại các địa phương và hộ vay vốn.

 
Nhìn chung, các mô hình, dự án được triển khai trên địa bàn đều gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã. Năm 2023, các cấp Hội đã hướng dẫn, thành lập mới 42 mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp với 352 thành viên tham gia sinh hoạt.

 
Các cấp Hội tích cực tuyên truyền về hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn thông qua Cổng thông tin điện tử của Hội, hệ thống báo, đài truyền thanh ở cấp cơ sở… Thông qua các tin, bài viết, các cấp Hội ND đẩy mạnh việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Quỹ HTND; mặt khác, tích cực tuyên truyền về các mô hình vay vốn Quỹ HTND mang lại hiệu quả ở các địa phương nhằm khuyến khích hội viên, nông dân đến tham quan, học tập và mạnh dạn làm theo.

 
Để phát huy tốt nguồn vốn hỗ trợ, lồng ghép với hoạt động giải ngân, các cấp Hội ND trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, sở, ngành, công ty, doanh nghiệp tổ chức 594 buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng được 54 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới…

 
Cụ thể, các cấp Hội ND đã tổ chức việc tái canh cây cà phê, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm theo công nghệ Israel, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP.

 
Các cấp Hội ND đã tư vấn, hỗ trợ các nông hộ trên địa bàn tích cực chuyển đổi những diện tích canh tác cà phê, hồ tiêu già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Dần từng bước hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái ở nhiều địa phương như: Trồng sầu riêng ở các huyện Krông Pắc và Krông Năng; trồng cam, quýt ở huyện Buôn Đôn và Ea Kar; trồng vải, nhãn ở các huyện Ea Kar và M'Đrắk... vừa giúp phát huy tốt lợi thế vùng, vừa mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. 

 
Nguồn vốn Quỹ HTND đã kịp thời hỗ trợ các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh có thêm nguồn lực và điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.
 

Đến nay, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, từ các mô hình, dự án được triển khai đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, hỗ trợ nhiều hộ khó khăn trên địa bàn nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 
Bình quân hàng năm, Hội ND tỉnh đã vận động trên 154.400 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, có trên 93.700 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

 
Hàng năm, Hội ND tỉnh đều có định hướng rõ ràng, lựa chọn những mô hình phù hợp, tổ chức hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các dự án cụ thể để được xem xét, phê duyệt giải ngân sớm giúp phát huy tốt nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp. Tại các địa phương trong tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình vay và sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả kinh tế rõ nét, mang lại thu nhập và lợi nhuận cao cho các hộ hội viên, nông dân.

 
Tiêu biểu như: Tổ Hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Krông Búk (huyện Krông Pắk); tổ Hội nghề nghiệp sản xuất cà phê bền vững tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar); tổ Hợp tác nuôi cá tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp); Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản Vụ Bổn tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk); tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thương phẩm tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng)...

 
Được Hội ND huyện Cư Kuin xét duyệt, tạo điều kiện cho vay 500 triệu đồng từ vốn Quỹ HTND, các thành viên trong Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững ở thôn 3, xã Ea Bhốk đã mạnh dạn đầu tư mua thêm vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất. Nhờ được đầu tư bài bản nên các vườn tiêu đều phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh, ước tính bình quân năng suất đạt 8 tấn/ha, tăng khoảng 3 tấn/ha so với trước đây.

 
Đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững thôn 3 đang tập trung canh tác với tổng diện tích khoảng 9 ha trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Nhiều mô hình sản xuất đã phát huy được lợi thế của vùng, tạo sinh kế giúp cho các hộ hội viên, nông dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

 
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, các cấp Hội ND trong tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND bình quân đạt từ 10%/năm trở lên; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 4.000 hội viên, nông dân và lao động nông thôn trở lên; có ít nhất 23% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; có 100% hộ hội viên, nông dân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm…

 
Tấn Trọng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường